Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của người thầy

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu của chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, thầy cô giáo là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” mang hết công sức và trí tuệ để đào tạo con người - vốn quý nhất trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Trải qua các chặng đường phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc, truyền thống cao đẹp “văn hiến” “hiếu học”, “tôn sư, trọng đạo” lúc nào cũng được đề cao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và vẻ vang”:

- Người dặn dò: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, phải chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt”

- Người vinh danh đội ngũ giáo viên bình dân học vụ, những người đã “mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc” 

- “Thầy giáo tốt là người anh hùng vô danh... Không có thầy giáo thì không có giáo dục không có giáo dục, không có cán bộ thì không thể nói đến kinh tế - văn hóa”, nên “cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”

- Với các giáo viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc”

Người cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, và động viên sự giúp đỡ của các gia đình, các bậc phụ huynh: “Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập”.

Đặc biệt, trong giáo dục Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phương pháp nêu gương. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh.

Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: “Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia vào những công tác xã hội ích nước lợi dân”. Những kiến thức thực tiễn đó mới thật là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng thế hệ đang lớn lên.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc”. Việc xã hội hóa giáo dục đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ góp phần sản sinh ra nhiều thế hệ tài năng đóng góp sức lực và trí lực vào công cuộc đẩy mạnh toàn diện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 

Như thường lệ, ngày 20/11 hàng năm, trên khắp nẻo đường đất nước rực rỡ sắc hoa, náo nức không khí tri ân những người làm nghề giáo. Dịp này, chúng ta càng thấm thía hơn những tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thêm nhớ đến biết bao thế hệ thầy cô giáo đã và đang lặng lẽ ươm lên những mầm xanh của đất nước. Dù còn muôn vàn khó khăn, vất vả, đồng lương eo hẹp nhưng những thầy cô giáo vẫn bám nghề, lấy sự trưởng thành của các thế hệ học trò làm niềm vui, và hạnh phúc của cuộc đời mình.

Thống kê
  • Đang online: 92.626
  • Hôm nay: 102
  • Hôm qua: 113
  • Tất cả: 346.277