Tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao
Trong những tháng đầu năm 2022, qua công tác theo dõi, giám sát và công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, Công an các cấp ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó phổ biến là các phương thức, thủ đoạn như sau:
1. Nhóm đối tượng gọi điện thoại tự xưng là nhân viên làm việc tại bưu điện, doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng thông báo bị hại có nợ tiền cước điện thoại hoặc nợ xấu ngân hàng, sau đó chuyển máy cho bị hại gặp các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án thông báo bị hại có liên quan đường dây mua bán ma túy, rửa tiền... sẽ bị cơ quan chức năng khởi tố, truy tố, giam giữ. Sau khi đe dọa, các đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản bằng cách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Đặc biệt, các đối tượng tạo lập trang web giả danh Báo điện tử Công an nhân dân, yêu cầu bị hại truy cập vào trang web, cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng hoặc tải về ứng dụng logo “Bộ Công an” có chức năng thu thập tin nhắn chứa mã OTP điện thoại. Thông qua đó, các đối tượng chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng của bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
2. Thông qua tin nhắn “rác” hoặc các hội nhóm Zalo, Facebook, nhóm đối tượng nhắn tin giới thiệu về các trang web có chức năng kiếm tiền Online hoặc làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng. Ban đầu, khi bị hại đăng ký tài khoản trên các trang web này và nạp tiền theo hướng dẫn thì được trả lại một số tiền lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, khi bị hại nạp số tiền lớn thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do như: bị hại chưa nạp đủ hạn mức để nhận hoa hồng, yêu cầu nâng cấp gói nhiệm vụ hoặc tiền chưa thể giải ngân... để bị hại tiếp tục nạp thêm tiền duy trì số tiền đã nạp trước đó, đồng thời các đối tượng lập trình cho trang web hiển thị số tiền liên tục tăng nhằm tạo lòng tin cho bị hại. Với tâm lý muốn lấy lại số tiền đã đầu tư nên bị hại tiếp tục nạp số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng theo yêu cầu của đối tượng. Khi nhận thấy bị hại không còn khả năng nạp tiền nữa thì đối tượng cắt đứt mọi liên lạc và tự động hủy các nhóm Zalo, Facebook nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, để che dấu hành vi phạm tội, các đối tượng đăng tải thông tin mua hoặc thuê tài khoản ngân hàng, thẻ ATM chưa nạp tiền (tài khoản 0 đồng) với giá tiền 300.000đ - 500.000đ/01 tài khoản để đánh vào tâm lý của những người dân có mức thu nhập thấp hoặc các đối tượng cờ bạc, ma túy... Sau đó, các đối tượng sử dụng những tài khoản ngân hàng trên để nhận, chuyển tiền phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc qua mạng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Hành vi mua, bán tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 291 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Trước tình hình trên, UBND huyện yêu cầu lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các công việc sau:
- Tăng cường tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của tội phạm thông qua phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các hình thức như: loa phát thanh tại các xã, thị trấn; lồng ghép vào các buổi họp dân; phát tờ bướm tuyên truyền để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân đối với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; nghiên cứu nội dung cảnh báo dán tại các nơi công cộng, khu vực đông dân cư... để cảnh báo người dân không được thực hiện hành vi mua bán tài khoản ngân hàng, đây là hoạt động tiếp tay cho tội phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động nâng cao ý thức cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, qua đó góp phần nâng cao hiệu công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện./.